Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Nghệ An: Hương trầm Liên Đức

Vừa đặt chân đến làng đã thoảng mùi hương của trầm, quế, hồi… và tiếng râm ran nói chuyện của những người lao động cùng với âm thanh vang ra của các loại máy đang hoạt động… tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp của công việc sản xuất hương trầm Liên Đức ở xã Thanh Liên (Thanh Chương – Nghệ An)

Ban đầu cơ sở còn nhỏ giải quyết công việc cho lao động tại địa phương chưa nhiều, đến một thời gian sau đó, khi thị phần dần được khẳng định, người dùng ưa chuộng, cơ sở sản xuất hương bắt đầu mở rộng tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình tại địa phương. Từ đó, thương hiệu Hương trầm Liên Đức được công nhận cùng địa phương là Làng nghề Hương trầm Liên Đức đóng tại xóm Liên Đức, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương vào năm 2008.

Làng nghề ra đời không chỉ giải quyết nhu cầu công việc cho người lao động tại địa phương mà còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống và tạo nên lề lối làm việc có trách nhiệm, có tổ chức và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn tại cơ sở. Điều đáng mừng là nhờ có làng nghề mà một số bà con trong xã không phải tha phương tìm kiếm việc làm.

Kể từ ngày làng nghề ra đời, không phải mạnh ai nấy làm, không ai cất giữ bí quyết chung để làm cho sản phẩm trở nên mỗi người một khác mà tất cả đều nhất quán trước sau như một. Bởi ở đó luôn có người định hướng, chịu trách nhiệm chung toàn sản phẩm khi được làm ra. Tựu chung lại, sản phẩm được quy về một đầu mối dưới dạng mô hình công ty để nâng cao sức cạnh tranh, có kỷ cương về quy trình sản xuất.

Khi làng nghề phát triển và đủ vững vàng để bá chủ thị trường nhiều nơi, làng nghề bắt đầu vươn vai ra làm 2 cơ sở: Cơ sở chính là nơi đặt máy móc để sản xuất hương và cơ sở tiếp theo hoàn thiện khâu cuối cùng là đóng gói và đưa lên cơ sở chính để bắt đầu chinh phục thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.

Để làng nghề phát triển và giải quyết lao động trên địa bàn như hiện nay phải kể đến mô hình sản xuất của làng nghề không như thông thường mà được quy tụ về một đầu mối. Và anh Phan Bá Bảy chính là người đứng ra chịu mọi trách nhiệm từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm và kế hoạch chinh phục thị trường trong nước.

Anh chia sẻ: “Để sản phẩm “bền” với khách hàng thì mình phải làm thật cái tâm của mình. Nghề của mình vốn đã phải thành kính từ tâm nữa rồi nên không thể vì lợi nhuận mà làm dối được. Cứ thật tâm và thành kính duyên sẽ lại đến. Chất liệu để làm ra thẻ hương trầm chủ yếu được lấy từ rễ cây hương, nụ đinh hương, cây quế, hoa hồi, cây mía tươi cùng với bí quyết gia truyền. Những chất liệu đó đều được thu mua ở vùng miền núi các xã trên địa bàn huyện”.

Anh-tin-bai

Anh Phan Bá Bảy – Giám đốc Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức

Những nguyên liệu này sau khi được xay thành bột, người thợ bắt đầu trộn đều chúng lại với nhau và vì làm thẻ hương nén nên phải dùng đến bột keo kết dính, bột keo này làm từ cây mười lời mua từ Đắc Lắc về vì ở đây không có loại cây này. Sau khi trộn hỗn hợp bột đều 10 đến 15 phút công nhân lấy ra làm. Công việc sản xuất hương cũng phải chọn ngày nắng để màu hương lên màu đẹp và để giữ được mùi hương thơm đặc trưng.

Hiện tại, làng nghề hương trầm đã trực tiếp giải quyết cho 20 lao động tại cơ sở chính và hơn 35 hộ gia đình trong làng với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng tùy vào phần việc người lao động đảm nhận.  

 Một đóng góp đáng được trân trọng của làng nghề Hương trầm Liên Đức trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn là góp phần vào việc thực hiện mỗi xã một sản phẩm chủ lực và sản phẩm của làng nghề đạt chất lượng OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Thanh Chương. Nhiều năm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An./.

Đậu Thị Nghệ - Phòng Hành chính Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com