Theo Đông y, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết và tai ù tai điếc... Vì có nhiều tác dụng như vậy nên tinh bột sắn dây ngày càng được ưa chuộng và người tiêu dùng ở Nghệ An đã quen với địa chỉ sắn dây ở Nam Đàn - vùng quê có nhiều cây trồng này.
Vùng quê Nam Anh, huyện Nam Đàn nằm sát dưới chân núi Đại Huệ, vùng đất trù phú, đặc biệt thích hợp với sự phát triển của cây sắn dây. Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này, anh Trần Đình Sơn - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Đại Huệ đã sớm ấp ủ cùng bà con phát triển kinh tế từ cây sắn dây. Qua nhiều nỗ lực, kiên trì hỗ trợ bà con và chính gia đình phát triển kinh tế, hiện cơ sở sản xuất của anh được thị trường trong nước ưa chuộng, sản xuất và tiêu thụ rất ổn định.
Anh Trần Đình Sơn cho biết, từ nhỏ lớn lên trên mảnh đất này, cùng với bố mẹ, các anh, chị em sản xuất nông nghiệp, gắn bó với ruộng đồng. Ngoài cây lúa, ngô, khoai, vùng Nam Anh còn có loại nông sản đặc trưng là cây sắn dây. Loài cây này rất hợp với thổ nhưỡng đất cát pha thịt, cho năng suất cao và một thời gian dài còn là cây chống đói cho người dân bản xứ. “Theo kết quả kiểm nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ, củ sắn dây trồng trên vùng đất Nam Anh có nhiều đặc trưng nổi trội hơn hẳn so với trồng ở những địa phương khác. Đặc biệt là hàm lượng tinh bột và các khoáng chất, hương vị. Đây cũng là một trong những động lực để tôi theo đuổi quyết tâm xây dựng tinh bột sắn dây thành sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh” - anh Sơn bộc bạch.
Với sự phát triển của khoa học, các nhà khoa học còn phát hiện ở củ sắn dây còn chứa nhiều dưỡng chất, nhiều tác dụng quý đối với sức khoẻ con người. Dần dà, mảnh đất Nam Anh ngày càng có nhiều hộ trồng sắn dây, đưa loài cây này trở thành đặc sản. Cùng với đó, nhiều hộ, tổ chức đoàn thể cũng đứng ra thực hiện sản xuất, kinh doanh bột sắn dây chiết xuất từ củ sắn dây.
Xưởng sản xuất bột sắn dây của HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ đặt tại xóm 4 (xóm 5 cũ), xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Mùa đông là mùa thu hoạch sắn dây, cơ sở nhộn nhịp thu mua sắn, rồi mài sắn, lọc sắn, phơi sắn cho tới các công đoạn quan trọng khác.
Nhận thấy tiềm năng, vốn quý của loài nông sản này, từ kinh tế hộ, năm 2019, anh Sơn được chính quyền hỗ trợ thành lập HTX, thu hút vốn và lao động, hỗ trợ người dân Nam Anh tiêu thụ nông sản quê hương, sản xuất ra sản phẩm nức tiếng với cách làm riêng. Đó là sắn dây được trồng theo quy trình VietGAP, cơ sở chế biến được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, tinh chất nguyên chất, sạch sẽ, đảm bảo kỹ thuật phơi sấy, bao gói bắt mắt, hấp dẫn.
Cách làm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ không chỉ dừng lại ở việc quảng bá nông sản, bán sản phẩm bột sắn dây ra thị trường, mà còn là hỗ trợ người dân sản xuất ra nguyên liệu đạt chất lượng cao nhất.
Đến nay, mỗi mùa vụ thu hoạch củ sắn dây, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ tiêu thụ khoảng 150 - 200 tấn sắn tươi của người nông dân chủ yếu ở địa bàn xã Nam Anh và một số ít ở các xã lân cận.
Thời gian đầu, sản phẩm của hợp tác xã chỉ tập trung một loại là tinh bột sắn dây nguyên chất. Quá trình sản xuất luôn đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật. Đặc biệt là khâu lắng lọc. Loại nước để lắng tinh bột cũng phải đảm bảo sạch và quy trình lắng lọc phải qua 8 - 10 lần.
Mỗi củ sắn dây rời đồng đất quê hương, đến xưởng sản xuất được rửa sạch vỏ, xay nhỏ và lắng qua 10 lần nước, chỉ chắt chiu lấy tinh bột đọng lại rồi mang phơi khô trong bóng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Những ngày thời tiết mưa lạnh thì được đưa vào tủ sấy khô. Với tần suất tiêu thụ khoảng 200 tấn sắn củ, mỗi năm hợp tác xã sản xuất được khoảng 26 tấn tinh bột sắn dây.
Từ hàng chục tấn tinh bột sắn, ban đầu hợp tác xã chỉ phát triển một loại tinh bột đóng hộp, nay dựa theo thị hiếu của thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ đã có thêm sản phẩm mới như tinh bột sắn dây vị chanh, tinh bột sắn dây vị chanh leo. Sản phẩm mới này tiện dụng hơn loại nguyên chất khi được trộn với tinh chất chanh hoặc chanh leo và đường theo tỷ lệ nhất định.
Đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đại Huệ không chỉ dừng lại ở thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra ngoài tỉnh, đến khắp các địa phương trong nước./.