Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Nghệ An: Nền tảng cho bứt phá công nghiệp bền vững
Trong
tiến trình phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngành công nghiệp hỗ trợ
(CNHT) được xem là xương sống của nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Đối với tỉnh
Nghệ An, một trong những trung tâm kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ ở khu vực Bắc
Trung Bộ, việc phát triển CNHT không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến
lược trọng điểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá
trị sản xuất toàn cầu.
Những
năm gần đây, Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy
CNHT phát triển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này, tỉnh đã đưa CNHT
vào nhóm ngành ưu tiên trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến
2050. Đồng thời, thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của
Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày
18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển công
nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và nhiều cơ chế chính sách ưu đãi khác,
trên cơ sở định hướng của Trung ương, Nghệ An ban hành nhiều chính sách nổi bật
như Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê
duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An giai đoạn
2018-2025; Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh Nghệ An
về việc Ban hành Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và
quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa
bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 4109/QĐ- UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh
Nghệ An ban hành Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các chính sách này hướng tới mục tiêu
xây dựng lực lượng doanh nghiệp địa phương đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng
của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động hỗ trợ như:
nâng cao công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, xây
dựng thương hiệu và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Về
hạ tầng, tỉnh đã và đang đầu tư mạnh mẽ để hoàn thiện mạng lưới khu – cụm công
nghiệp, tạo mặt bằng sẵn sàng thu hút nhà đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 10 khu
công nghiệp (KCN) được quy hoạch, trong đó 6 KCN đã được thành lập, điển hình
như: KCN VSIP Nghệ An (ngay tại trung tâm vùng kinh tế Đông Nam), KCN Hoàng Mai
I, KCN WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An, KCN Nam Cấm, KCN Bắc Vinh, KCN Đông
Hồi. Đây là những KCN có hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với cảng biển nước
sâu Cửa Lò, sân bay quốc tế Vinh, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và tuyến
đường ven biển. Riêng KCN VSIP và WHA đã trở thành điểm đến thu hút hàng loạt
doanh nghiệp CNHT lớn trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện và thiết bị công nghiệp.
Khung cảnh nhà máy foxconn Nghệ An
Bên
cạnh các KCN, Nghệ An cũng đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu
hút doanh nghiệp vừa và nhỏ. Toàn tỉnh có 79 CCN được quy hoạch với tổng diện
tích gần 3.300 ha, đến năm 2024 đã thành lập 26 CCN, trong đó có 23 CCN đi vào
hoạt động, thu hút gần 260 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Các CCN
tiêu biểu như: CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), CCN Đồng Văn (Quỳnh Lưu), CCN Tháp –
Hồng – Kỷ (Diễn Châu)... Trong giai đoạn 2021–2025, tỉnh ưu tiên phát triển
thêm 5–7 CCN chuyên ngành CNHT, từng bước hình thành mạng lưới hỗ trợ sản xuất
khép kín, liên kết vùng giữa các doanh nghiệp.
Cùng
với hạ tầng, Nghệ An cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử
lý hồ sơ đầu tư còn 1/3 so với quy định; công khai, minh bạch quy hoạch và mặt
bằng, đảm bảo mặt bằng sạch cho các dự án công nghiệp. Tỉnh kiên trì thực hiện
cam kết “5 sẵn sàng” gồm sẵn sàng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, thủ tục
hành chính và cơ chế ưu đãi – tạo môi trường đầu tư thuận lợi, được cộng đồng
doanh nghiệp đánh giá cao.
Những
nỗ lực đó đã mang lại kết quả rõ nét. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào
top 10 địa phương có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước với tổng vốn
hơn 939 triệu USD. Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì sức hút đầu tư khi
đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ với 720 triệu USD vốn FDI chỉ trong 6 tháng đầu
năm. Đáng chú ý, các dự án lớn như Luxshare – ICT, Goertek, Ju Teng, Everwin…
đã đưa Nghệ An trở thành điểm đến mới của chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử và
cơ khí chính xác toàn cầu.
Hiện
nay, Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có từ 20–30 doanh nghiệp CNHT có khả
năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, CNHT chiếm 10–12% giá trị sản xuất công
nghiệp của tỉnh. Một số mục tiêu cụ thể như: ngành dệt may đạt tỷ lệ nội địa
hóa trên 45%, ngành điện – điện tử đạt 30–35%; hình thành ít nhất 3–5 phân khu
CNHT chuyên ngành trong các KCN lớn; phát triển tối thiểu 1–2 cụm công nghiệp
chuyên ngành CNHT phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tuy
nhiên, hành trình phát triển CNHT ở Nghệ An vẫn còn không ít thách thức. Trước
hết là sự thiếu vắng các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực CNHT nội địa,
khiến sự lan tỏa công nghệ và liên kết chuỗi còn hạn chế. Thêm vào đó, phần lớn
doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh có năng lực tài chính yếu, ít khả năng tiếp
cận công nghệ mới, thiếu lao động kỹ thuật và khó đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc
kết nối giữa doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự
sâu, chủ yếu dừng lại ở mức gia công đơn giản.
Trong
bối cảnh đó, tỉnh tiếp tục xác định rõ định hướng phát triển CNHT theo hướng
chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đó là kết hợp giữa thu hút FDI có chọn lọc,
ưu tiên dự án công nghệ cao – xanh – sạch, với phát triển DN nội địa có năng
lực tham gia chuỗi cung ứng. Tỉnh chú trọng liên kết "ba nhà": nhà
nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật
trình độ cao, đồng thời thúc đẩy đào tạo tại chỗ, kết hợp chuyển giao công
nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như sản xuất khuôn mẫu, linh kiện
điện tử, phụ tùng cơ khí, vật liệu kỹ thuật mới.
Việc
mở rộng hợp tác quốc tế, thiết lập các kênh kết nối với hệ thống trung tâm hỗ
trợ công nghiệp quốc gia, tổ chức các diễn đàn kết nối cung cầu, tư vấn cải
tiến sản xuất và xúc tiến thương mại quốc tế cũng là trọng tâm trong giai đoạn
tới. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng số, ứng dụng công nghệ
thông minh và thương mại điện tử trong sản xuất CNHT.
Tổng
thể, với nền tảng hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư
thông thoáng, chính sách linh hoạt và tầm nhìn chiến lược rõ ràng, ngành công
nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đang từng bước khẳng định vai trò là trụ cột cho
phát triển công nghiệp bền vững, mở ra cơ hội vươn lên trở thành trung tâm CNHT
của khu vực Bắc Trung Bộ trong thập niên tới./.