Nghệ An trên hành trình trở thành trung tâm công nghiệp mới của miền trung
Trong
bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp
hóa - hiện đại hóa, Nghệ An nổi lên như một điểm sáng mới trên bản đồ công
nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ. Từ một tỉnh vốn được xem là “vùng trũng” về thu
hút đầu tư, những năm gần đây Nghệ An đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến
chiến lược của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với sự định hướng rõ ràng
của chính quyền tỉnh và sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp, công nghiệp
Nghệ An đang bước vào giai đoạn phát triển mới, sâu sắc hơn, bền vững hơn và có
tính cạnh tranh toàn cầu cao hơn.
Nghệ
An có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, là tỉnh có diện tích lớn, với dân số
gần 4 triệu người. Hệ thống hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện, kết nối trực
tiếp với tuyến cao tốc Bắc-Nam, quốc lộ 1A, cảng biển nước sâu Cửa Lò, sân bay
quốc tế Vinh và cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Đây chính là điều kiện nền tảng để
tỉnh định hình các khu vực phát triển công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là khu
kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai và nhiều khu, cụm công
nghiệp đang được hình thành trên toàn tỉnh.
Từ
năm 2022 trở lại đây, Nghệ An đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá về công
nghiệp, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 3 năm liên tiếp
(2022–2024), Nghệ An lọt nhóm 10 địa phương có thu hút FDI tốt nhất cả nước.
Riêng năm 2024, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tại khu kinh tế Đông
Nam đạt hơn 41.000 tỷ đồng, vượt 200% kế hoạch đề ra, chiếm 68% tổng vốn đầu tư
toàn tỉnh. Khu vực này đã trở thành “hạt nhân” tăng trưởng công nghiệp của Nghệ
An, với hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh thu đạt hơn 77.000 tỷ đồng,
nộp ngân sách hơn 2.200 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 46.500 lao động với thu
nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng.
Sự
có mặt của các tập đoàn công nghiệp lớn như Luxshare-ICT, Goertek, Foxconn,
WHA, Innovation Precision, Sunny Optical, Radiant Electronics… đã tạo nên một
làn sóng đầu tư mạnh mẽ, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao
như sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị quang học, viễn thông, sản phẩm bán
dẫn, cơ khí chính xác và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là nền tảng quan
trọng để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, giảm dần
phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống như vật liệu xây dựng, chế
biến sơ cấp.
Theo
quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An
sẽ mở rộng lên 80.000 ha (gồm cả 10.000 ha mặt nước biển), trở thành một trong
những KKT lớn nhất Việt Nam. Định hướng đến năm 2030, Nghệ An sẽ có hơn 15.000
ha đất công nghiệp, trong đó hơn 4.000 ha nằm ngoài khu kinh tế, nhằm tạo điều
kiện cho các nhà đầu tư đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Cùng với việc triển khai
các khu công nghiệp mới như WHA 2, Hoàng Mai II, VSIP giai đoạn 3…, tỉnh đang
chú trọng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ
cao, cụm công nghiệp hỗ trợ và trung tâm logistics chuyên biệt nhằm tối ưu hóa chi phí cho nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh nghệ An thăm và làm việc
với các doanh nghiệp tại trung Quốc
Từ
năm 2024 đến nay, nhiều dự án lớn đã được khởi công hoặc mở rộng quy mô. Đơn cử
như dự án của Luxshare-ICT với tổng vốn gần 500 triệu USD tại VSIP Nghệ An, dự
án sản xuất thiết bị điện tử cao cấp của Goertek (325 triệu USD), nhà máy quang
học của Sunny Optical (150 triệu USD), các dự án liên quan đến linh kiện bán
dẫn, cáp kết nối, bảng mạch điện tử của các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hồng Kông
và Hàn Quốc. Đặc biệt, nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng vốn đăng
ký hàng tỷ USD, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư,
kinh doanh tại Nghệ An.
Thành
công của Nghệ An không chỉ đến từ những con số ấn tượng mà còn nằm ở tầm nhìn
và chính sách điều hành quyết liệt, chủ động của chính quyền. Việc ban hành
Nghị quyết 07-NQ/TU năm 2021 đã mở đường cho các chính sách khuyến khích đầu tư
vào công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh
cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình cấp phép đầu tư,
công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất và triển khai mô hình “1 cửa liên
thông” tại Ban Quản lý Khu kinh tế. Đây là những hành động cụ thể, tạo điều
kiện thuận lợi và niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài
ra, Nghệ An cũng đang tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội
phục vụ khu công nghiệp, bao gồm hệ thống giao thông kết nối, điện, nước, xử lý
nước thải, bưu chính viễn thông và đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Một số khu
nhà ở xã hội, khu ký túc xá công nhân đã được phê duyệt đầu tư trong giai đoạn
2025-2030 với tổng quy mô hàng nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu ổn định đời sống
cho người lao động trong các khu công nghiệp.
Một
trong những thách thức lớn trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao và xu
thế chuyển đổi số. Tỉnh đã có kế hoạch liên kết với các trường đại học, cao
đẳng kỹ thuật và các tập đoàn công nghệ để đào tạo nhân lực ngành điện tử, cơ
khí, kỹ thuật số và vi mạch. Song song đó là các chương trình hợp tác đào tạo -
tuyển dụng trực tiếp giữa doanh nghiệp FDI và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp
người học tiếp cận thực tiễn và nhanh chóng bắt nhịp công việc sau khi tốt
nghiệp.
Từ góc độ chiến
lược phát triển dài hạn, Nghệ An đang xây dựng hình ảnh là một “cực tăng trưởng
công nghiệp xanh, bền vững” của miền Trung. Điều này không chỉ thể hiện ở việc
lựa chọn thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường mà còn ở
quy hoạch phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, và các mô hình kinh tế tuần
hoàn trong sản xuất.
Với
những bước đi đúng hướng, kết hợp giữa quy hoạch chiến lược, thu hút đầu tư
hiệu quả và sự đồng hành sát sao của chính quyền, Nghệ An đang dần khẳng định
vai trò là trung tâm công nghiệp mới của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong tương lai
không xa, tỉnh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành điểm đến
hàng đầu của các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào
sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước./.