Giải pháp thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, đến hết tháng 10 năm 2023, Nghệ An đã cấp mới cho 94 dự án, trong đó có 13 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số đăng ký 851 triệu USD (khoảng 20.800 tỷ đồng), 80 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 11.835,72 tỷ đồng. Riêng với các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, có 24 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó dự án trong nước có 10 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 2.782 tỷ đồng).
Như vậy, tính đến nay, số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Nghệ An có khoảng gần 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng gần 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất thương mại toàn diện trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các nhóm ngành như sản xuất linh kiện điện, điện tử; sản xuất nguyên liệu trong các ngành giấy, keo gỗ, hạt nhựa, gỗ ghép thanh…; sản xuất bao bì công nghiệp, ngành da dày, thêu công nghiệp, cơ khí... . Tổng giá trị sản xuất hàng năm hiện nay khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Các doanh nghiệp này đã thu hút khoảng 39.364 người, dự kiến sau khi các dự án được cấp mới đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm khoảng 10.000 lao động vào làm việc trong lĩnh vực này.
Phải khẳng định rằng, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện Đề án “Tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” với nhiều giải pháp đồng bộ. Kết quả, giai đoạn 2016-2020 môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện tích cực; thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đã đến đầu tư tại tỉnh. Các dự án đầu tư góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp ngày càng cao vào thu ngân sách. Các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành CNHT là nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đóng góp ngày càng quan trọng vào thu ngân sách của tỉnh Nghệ An. Cùng với sự gia tăng các doanh nghiệp, đóng góp của các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngân sách tỉnh có xu thế tăng dần qua các năm, các thời kỳ.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, ngành công nghiệp hỗ trợ thu hút đầu tư, sản xuất ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các dự án có vốn FDI là chính, các dự án này chủ yếu sản xuất sản phẩm bán hoàn chính mà không có sự tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước; các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trong các ngành sản xuất linh kiện điện – điện tử có mức thâm hụt lao động rất lớn làm thay đổi cấu trúc lao động ở các ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, tuy số lượng các dự án đầu tư trong nước khá nhiều, song các dự án sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo phụ lục chi tiết của Nghị định 111/NĐ-CP lại rất hiếm như các loại linh kiện - quang điện tử cơ bản, vi mạch điện tử; chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực trong ngành điện tử. Hay sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, như phụ liệu ngành may, cúc, mex, khóa kéo, băng chun….Đặc biệt chúng ta đang thiếu vắng toàn diện các dự án cơ khí chế tạo trong các lĩnh vực như khuôn mẫu, đồ gá, dụng cụ - dao cắt, inh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu; dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí hay chi tiết máy: Bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi lanh thủy lực; thép chế tạo…và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Để tiếp tục thu hút các dự án sản phẩm các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngoài các dự án đăng ký đầu tư, Nghệ An cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng các giải pháp về thu hút đầu tư.
Thứ nhất, về hoàn thiện cơ chế chính sách, cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững tập trung vào chính sách thuê đất, chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thuế TNDN, chính sách vay tín dụng; chính sách hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng, chi phí thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Thứ hai, về lựa chọn đối tác ưu tiên thu hút đầu tư. Đối với các dự án đầu tư FDI cần Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT, lắp ráp, hoàn chỉnh; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh. Không cố định theo quốc gia hay đối tác nào mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể dựa vào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đó để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, khả năng bền vững, sinh lời của dự án CNHT. Không thu hút các nhà đầu tư dựa quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, thường hứa hẹn đầu tư quy mô rất lớn nhưng việc triển khai lại phụ thuộc vào huy động vốn vay.
Không thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động quá lớn với công nghệ
giản đơn cho thể làm xáo trộn cung – cầu lao động, ảnh hưởng tới các dự án khác. Cần có chính sách “ràng buộc” với các nhà đầu tư FDI trong việc sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Cụt thể, thu hút FDI vào các dự án CNHT các dự án công nghệ cao, có cam kết chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, các dự án sản xuất CNHT phục vụ nhu cầu nội địa; sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp chế tạo; sản xuất linh kiện xuất khẩu; các dự án sản xuất CNHT thuộc mạng lưới sản xuất của các tập đoàn lắp ráp hiện có ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Và cuối cùng là các dự án giúp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với đầu tư trong nước, Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực CNHT. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại Nghệ An để triển khai các dự án qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng của tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong ngành CNHT.
Thứ ba, cần xây dựng KCN hoặc CCN chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển CNHT trên địa bàn để tạo cụm liên kết ngành phục vụ thu hút đầu tư phát triển CNHT có thể được bố trí trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch các KCN, các CCN hiện có trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tiết kiệm được vốn đầu tư xây dựng…
Hình thành phát triển các cụm liên kết sản xuất vệ tinh để thúc đẩy liên kết giữa các nhà cung cấp trong nước với các công ty nước ngoài, phát triển liên kết giữa các nhà thầu phụ với các doanh nghiệp lớn nhằm tạo thành một mạng lưới vệ tinh sản xuất, cung ứng và xuất khẩu cho các doanh nghiệp chủ lực trong tỉnh, trong vùng và trong khu vực. Thí điểm thành lập CCN hỗ trợ giao để thu hút đa ngành trong đó ưu tiên phát triển ngành CNHT trong các ngành cơ khí, chế tạo; dệt, may, da giày, điện – điện tử…./.