Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ

Thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất kim khí, linh kiện điện tử một số dự án sản xuất CNHT quy mô vốn lớn đã đầu tư vào địa bàn tỉnh như: Luxshare-ICT, Goeterk, Everwin, Juteng…

Có thể thấy các dự án CNHT đầu tư vào Nghệ An chủ yếu là các dự án FDI về sản xuất các linh kiện điện, điện tử các dự án trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Nghệ An tăng vượt bậc. Ngoài những mặt tích cực như mang lại hiệu quả trong việc gia tăng giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng lao động, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như sau:

- Chưa có dự án mang tính động lực phát triển, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và các ngành lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh từ các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia chưa nhiều.

- Mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao.

- Chất lượng nguồn nhân lực địa phương, kết cấu hạ tầng trong KKT Đông Nam còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách pháp luật, cơ chế hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với dự án FDI vẫn còn bất cập, chồng chéo và chưa ổn định, đặc biệt là các quy định về thuế, giá, thời hạn thuê đất và miễn tiền thuê đất..

Anh-tin-bai

Thời gian qua đã có nhiều dự án FDI về CNHT đầu tư vào Nghệ An; Nguồn ảnh: Internet

Một số giải pháp nhằm nâng cao việc xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ:

Đối với các dự án đầu tư FDI:

- Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT, lắp ráp, hoàn chỉnh; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng). Không cố định theo quốc gia hay đối tác nào mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể dựa vào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của các DN trong chuỗi giá trị đó để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, khả năng bền vững, sinh lời của dự án CNHT.  Không thu hút các nhà đầu tư dựa quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, thường hứa hẹn đầu tư quy mô rất lớn nhưng việc triển khai lại phụ thuộc vào huy động vốn vay; Không thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động quá lớn với công nghệ giản đơn cho thể làm xáo trộn cung – cầu lao động, ảnh hưởng tới các dự án khác. Cần có chính sách “ràng buộc” với các nhà đầu tư FDI trong việc sử dụng các sản phẩm do các DN trong tỉnh sản xuất.

Đối với đầu tư trong nước:

- Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các DN thuộc Top 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực CNHT. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN ngoài tỉnh thành lập DN mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại Nghệ An để triển khai các dự án qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Có chính sách khuyến khích các DN trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng của tỉnh, trong đó ưu tiên các DN vừa và nhỏ đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tạo điều kiện cho các DN trong tỉnh liên kết với các DN FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong ngành CNHT.

 Yêu cầu về đối với các dự án đầu tư:

- Về quy mô vốn đầu tư: Với các dự án đầu tư cần nghiên cứu quy định áp dụng suất vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án trong, ngoài khu kinh tế, KCN, CNN trên cơ sở đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT và dự án lắp ráp, hoàn chỉnh cho mỗi ngành nghề CNHT (bao gồm cả diện tích đất thuê, tổng vốn đầu tư tối thiểu….) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và các quy định của pháp luật theo hướng ưu tiên các dự án có suất đầu tư vốn lớn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

- Về năng lực của nhà đầu tư: Không xem xét chấp thuận đối với các nhà đầu tư không giải trình được khả năng tài chính, không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nếu đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Ngoài ra, ưu tiên các nhà đầu tư có kinh nghiệm triển khai hiệu quả các dự án tương tự.

- Về lao động sử dụng: Ưu tiên thu hút đầu tư sử dụng lao động hiệu quả, sử dụng lao động là người địa phương và lao động có kỹ năng nghề. Việc thẩm định dự án phải xem xét đến hiệu suất sử dụng lao động (đáp ứng yêu cầu tại  bộ tiêu chí).

- Về hiệu quả kinh tế - xã hội: Các dự án được xem xét chấp thuận phải được đánh giá là có hiệu quả kinh tế - xã hội (trên các mặt: Đóng góp cho ngân sách, hiệu quả sử dụng đất).

- Về công nghệ: Các dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến, ít tác động xấu tới môi trường; hạn chế sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định pháp luật. Tuyệt đối không thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cũ được chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức chuyển từ công ty mẹ sang công ty con.

Anh-tin-bai

Cần thêm nhiều giải pháp để Nghệ An tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước; Nguồn ảnh: Internet

Về xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư

- Nghiên cứu đổi mới cách thức hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động và có chọn lọc các dự án đầu tư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các tập đoàn đa quốc gia để nghiên cứu cơ chế,
chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư gắn với việc
thành lập các Trung tâm nghiên cứu và sáng tạo tại tỉnh Nghệ An. Triển khai xúc tiến đầu tư có mục tiêu theo hướng đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Lập danh sách các tập đoàn lớn đã thực hiện đầu tư và chưa đầu tư tại Nghệ An để Lãnh đạo tỉnh bố trí làm việc và mời gọi đầu tư.

- Chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, gặp gỡ với các đại sứ quán, thương vụ của nước ngoài ở Việt Nam, hoặc trực tiếp liên hệ với các với các tập đoàn đa quốc gia lớn; hoặc liên hệ với các đại sứ quán, thương vụ, đại diện đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài để nhờ quảng bá hình ảnh của tỉnh. Tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương trong công tác thu hút đầu tư, tìm kiếm, thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, thương mại, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (như: Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc; Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK); Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông), cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn tại Việt Nam.

- Chủ động phối hợp với các đài truyền hình Trung ương (Đài truyền
hình Việt Nam và một số đài truyền hình khác) để định kỳ xây dựng phóng
sự giới thiệu chuyên sâu về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư.

- Bố trí, sắp xếp đội ngũ làm xúc tiến đầu tư có năng lực và trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc, có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc với các nhà đầu tư; trong đó, chú trọng sắp xếp những những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, có khả năng làm việc độc lập bằng ngôn ngữ nước ngoài (Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc, Nhật) nhằm đảm bảo khả năng chủ động làm việc và hỗ trợ liên tục các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội, thực hiện đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư theo
hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư có đóng góp lớn cho ngân sách thực hiện các dự án tại các vị trí thuận lợi.

Với những giải pháp Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư thì Nghệ An sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư về CNHT./.

Cao Đức Minh - Phòng Hỗ trợ Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com