Khoai lang Cồn Kè (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) nổi tiếng thơm, ngon. Rộ mùa thu hoạch, để đẩy nhanh việc tiêu thụ, bán được giá, các hộ trồng khoai đã rao bán khoai lang trên mạng xã hội, thu hút lượng đơn đặt hàng lớn, thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó…
Khoai lang Anh Sơn đắt hàng trên Mạng xã hội
Trồng 1ha khoai lang đỏ, với năng suất 5-6 tạ/sào, nếu thu hoạch hết thì sản lượng khoai ước đạt 12 tấn, do đó, trước khi vào vụ anh Nguyễn Văn Bắc (thôn 2, xã Phúc Sơn) đã tìm cách quảng bá khoai lang trên mạng xã hội như Zalo, Facebook và Fanpage các hội nhóm. Các thông tin về khoai, mức giá, phí ship, điện thoại liên hệ được anh công khai cụ thể trên trang cá nhân.
Anh Bắc cho biết: “Khoai lang Cồn Kè nổi tiếng thơm ngon, chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước đây, khoai lang Cồn Kè chủ yếu tiêu thụ nội huyện, thương lái đến mua sỉ rồi bán ở các chợ dân sinh trên địa bàn. Gần đây, khi mạng xã hội phát triển, khi thu hoạch, chúng tôi thường đưa hình ảnh khoai cùng thông tin đi kèm để bán khoai. Nhờ đó, khoai lang Cồn Kè được người dân khắp các nơi biết đến. Hiện, 70% tiêu thụ nội huyện theo kênh truyền thống và 30% tiêu thụ các tỉnh, thành trong cả nước”.
Anh Đặng Đình Thuyết - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn 2, xã Phúc Sơn cho biết: “Toàn xã Phúc Sơn có khoảng 15ha khoai lang vỏ đỏ, ruột trắng trồng ở vùng Cồn Kè. Trong đó, chủ yếu là của người dân thôn 2, 3 trồng. Đây là giống khoai truyền thống ở địa phương, được trồng từ nhiều năm nay. Với chất lượng củ bở, ngon ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, khoai lang Cồn Kè được thị trường ưa chuộng, trở thành nguồn thu lớn của nhiều nông dân.
Nhờ đó, khoai lang Cồn Kè luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó. Hiện nay, đang rộ mùa thu hoạch, sản lượng khoai lên đến hàng trăm tấn song giá khoai luôn “neo” mức cao từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 20.000 - 25.000 đồng/kg vẫn “cháy hàng”.
Theo tính toán, mỗi sào khoai trừ chi phí mang lại thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào. So với các cây trồng khác thì cây khoai lang mang lại hiệu quả cao hơn, ít công chăm sóc và ít chi phí vật tư. Đặc biệt, nhờ người dân năng động tìm cách xoay xở để tìm kiếm đầu ra nên thị trường tiêu thụ ổn định.
“Hiện chúng tôi đã liên hệ với Ban tổ chức Lễ hội hoa gạo xã Tam Sơn bố trí gian hàng giới thiệu và bán đặc sản khoai lang Cồn Kè ở lễ hội. Bởi, lễ hội sẽ thu hút du khách thập phương tham gia, do đó, đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá khoai lang Cồn Kè đến mọi người.
Mặc dù hiện khoai đang thu hoạch không kịp để bán nhưng để cạnh tranh thị trường, để mở rộng tiêu thụ thì việc quảng bá sản phẩm rất quan trọng. Giống có sẵn, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, khoai cho năng suất cao, do đó, để mở rộng diện tích hay tính toán đến trồng khoai trái vụ thì việc tìm kiếm đầu ra phải “đi trước một bước”, anh Thuyết thông tin.