An toàn thực phẩm: Trách nhiệm không của riêng ai

Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây nhất là Vĩnh Phúc, khiến nhiều người phải nhập viện. Để giải quyết triệt để tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm này, không thể chỉ có  cơ quan quản lý Nhà nước, mà của tất cả chúng ta.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục trong tháng an toàn thực phẩm

Mới đây nhất tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sau bữa ăn trưa ngày 14/5, hàng trăm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam, có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, phải nhập viện cấp cứu.

Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho hơn 3.200 công nhân ăn trưa thành 2 ca. Suất ăn do Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tự nấu gồm có: gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối.

Trước đó vào tối ngày 12/5 tại nhà hàng Hồng Vinh, Công ty Du lịch Viettravel tổ chức ăn  cho đoàn khách 750 người, trong đó có 51 khách du lịch bị ngộ độc.

Có lẽ chưa năm nào mà trong tháng an toàn thực phẩm lại xảy ra ngộc độc thực phẩm tập thể, nhiều và liên tiếp như năm nay. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm đã được các cơ quan chuyên môn chỉ ra, do nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo, do trong quá trình chế biến không bảo đảm đúng nguyên tắc, do thời tiết làm cho vi khuẩn có điều kiện phát triển…Nhưng có lẽ còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là sự phối kết hợp của các ngành còn thiếu chặt chẽ, ý thức của người dân chưa cao.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Sáng ngày 21/5/2024 Sở Công Thương Nghệ An đã tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm” cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cán bộ, công chức quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương nhằm mục đích cung cấp kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và các quy định của pháp luật hiện hành.

Một số nội dung chính của Hội nghị bao gồm: Quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Các câu hỏi thường gặp cơ bản về an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ngành Công Thương; Câu hỏi và đáp án kiểm tra xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương.

Hội nghị “Tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn

thực phẩm” do Sở Công Thương Nghệ An tổ chức

Một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Trước tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, số vụ ngộ độc có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương (Sở Công Thương Nghệ An) khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

1.     Đối với người sản xuất, chế biến thực phẩm:

Người sản xuất, chế biến thực phẩm phải là “người sản xuất thực phẩm có lương tâm”, tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của Nhà nước, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Không sử dụng phân tươi bón ruộng, nuôi cá. Việc giết mổ gia súc, gia cầm phải qua kiểm soát của cơ quan thú y; không buôn bán, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm bị bệnh. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chế biến thực phẩm. Thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm, xì mũi, ngoáy tai... Phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà bông và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải đảm bảo môi trường luôn sạch và khô ráo. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để, cống rãnh sạch thoáng. Thiết bị, dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc…

Thực phẩm phải chế biến theo qui trình một chiều, từ sơ chế đến tinh chế, nấu nướng, bảo quản và sử dụng. Không để nhiễm ngược hay nhiễm chéo giữa các thực phẩm, giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín. Dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín phải riêng biệt; Không được chế biến thực phẩm dưới đất hay sát nền nhà. Thực phẩm phải chế biến đúng cách và phải được nấu kỹ. Các loại rau quả phải được ngâm kỹ, rửa bằng nước sạch dưới vòi nước chảy. Các loại quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Sử dụng phụ gia hay phẩm màu đúng loại, đúng liều lượng, đúng danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Thực phẩm sau khi chế biến nên dùng ngay. Bảo quản thực phẩm nóng ở nhiệt độ > 60 độ C, thực phẩm lạnh < 5 độ C. Thực phẩm nấu chín nên ăn ngay, sau 2 giờ phải đun kỹ lại trước khi ăn. Thực phẩm sau khi chế biến được che đậy cẩn thận, không để động vật, côn trùng tiếp xúc hay đến gần, không để bụi rơi vào thực phẩm. Cần có đủ nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cơ sở và cho khách hàng sử dụng.

2.     Đối với người tiêu dùng.

Khi mua thực phẩm:

Nên mua các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kể cả về người bán và người sản xuất. Trên thực phẩm cần có nhãn mác, thông tin mô tả cụ thể, có đăng ký cơ cơ quan quản lý. Yêu cầu này không chỉ đặc biệt cần thiết với các thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến mà cũng cần thiết với các thực phẩm tươi sống. 

-  Chọn các thức ăn được đóng gói trong các bao bì, hộp, hoặc lon trước. Không chọn các hộp, lon thức ăn có vỏ bị phồng, lõm hoặc chai, lọ bị nứt, nắp lỏng hoặc phồng.

- Không mua các loại trai, sò (trai, sò, ngao, hến,...) để ăn sống. Khi mua các loại trai sò, chỉ mua loại có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy. Nếu bạn muốn đánh bắt các loại trai sò thì cần chú ý về độ an toàn vệ sinh của nước khu vực đánh bắt (ví dụ không đánh bắt hải sản khi nước vùng biển đó có hiện tượng thuỷ chiều đỏ vì các hải sản đó có thể chứa các loại tảo độc).

-  Mua trứng được bảo quản lạnh, trước khi mua kiểm tra xem vỏ trứng có nguyên vẹn và sạch không.

- Không mua các hải sản đông lạnh nếu bao gói bị mở, rách hoặc mép bị nát. Nếu có thể nhìn được qua vỏ bao gói thì xem bên trong có tuyết hoặc băng không, đây là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đã được bảo quản trong thời gian kéo dài hoặc đã bị phá đông sau đó được làm đông lại.-  Vẫn tiếp tục giữ thực phẩm đông lạnh hoặc loại dễ ôi thiu được đông lạnh từ khi mua đến khi bạn về nhà nếu thời gian này kéo dài hơn 1 giờ

-  Kiểm tra vệ sinh của quầy bán thực phẩm, đặc biệt là quầy bán thịt, cá.

Bảo quản thực phẩm an toàn:

-  Bảo quản lạnh hoặc đông lạnh các thực phẩm loại dễ ôi thiu ngay khi bạn mang về nhà. Nhiệt độ bảo quản lạnh là 5 độ C (chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh) và đông lạnh là - 18 độ C (âm 18 độ C, có thể làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn đó nếu có vẫn không bị chết). Kiểm tra các nhiệt độ này định kỳ bằng loại nhiệt kế đặc biệt dùng cho tủ lạnh.

Người tiêu dùng cũng không nên để thịt đông lạnh trong thời gian quá dài

để tránh cho thịt bị hư hỏng

-  Gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, cần để các phần còn thừa trong các dụng cụ chứa đựng kín.

-   Để trứng trong các khay riêng và đặt trong tủ lạnh. Không đặt trứng trên cánh cửa tủ lạnh.

- Luôn bảo quản lạnh hoặc đông lạnh hải sản cho tới khi chế biến.

-  Không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Kiểm tra các dụng cụ chứa đựng thực phẩm để tránh dò rỉ. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu thì cần bỏ đi.

-   Nhiều loại thực phẩm không phải là thịt, cá, rau hoặc các sản phẩm từ sữa vẫn cần được bảo quản lạnh, nếu không có thể bị hỏng.

3. Đảm bảo các biện pháp vệ sinh ATTP trong chế biến

- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong thời gian ít nhất 20 phút trước khi chế biến thức ăn và sau khi tiếp xúc thịt, cá tươi. Nếu trong khi đang chế biến phải tạm ngừng để làm việc khác thì trước khi quay trở lại công việc chế biến cũng phải rửa tay lại.

-  Tóc dài thì cần đeo mũ chùm đầu. Băng kín tất cả các vết thương trên bàn tay. Nếu bàn tay có mụn hoặc có các vết thương bị nhiễm trùng thì bạn không nên vào bếp.

- Giữ khu vực chế biến thức ăn gọn và sạch sẽ. Rửa bàn chế biến thức ăn bằng dung dịch chloramine hoặc các dung dịch tẩy rửa bếp khác.

- Thường xuyên rửa sạch khăn rửa bát bằng máy giặt với nước nóng và xà phòng. Loại khăn này thường trong trạng thái ẩm ướt là môi trường tốt để vi trùng ẩn náu và phát triển.

- Vệ sinh bồn rửa định kỳ bằng cách rót một lượng dung dịch chloramine hoặc loại dung dịch tẩy rửa bếp vào bồn rửa vì đây cũng là môi trường tốt để vi trùng phát triển.

- Rửa thớt bằng nước nóng và xà phòng bằng bàn chải sau đó cọ rửa bằng dung dịch chloramine. Luôn vệ sinh thớt sau khi chế biến thịt, cá, hải sản tươi và trước khi chuẩn bị các thực phẩm có thể ăn ngay. Nên dùng một thớt để chế biến thực phẩm tươi và thớt khác cho các thực phẩm có thể ăn ngay.

- Luôn làm sạch các dụng cụ chế biến như dao, thìa,...sau khi dùng từng loại thực phẩm.

- Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống hoặc ôi thiu. Không để thịt cá đã nấu chín lên các bát đĩa chưa được rửa hoặc đã chứa đựng thịt, cá tươi.

- Không để các động vật (như ruồi, nhặng, chuột, chó, mèo hoặc các động vật khác) tiếp xúc với thực phẩm. Động vật thường chứa các vi trùng gây bệnh qua thực phẩm. Tốt nhất bạn nên bảo quản thực phẩm trong các vật chứa được đóng kín.

- Sử dụng nước sạch. Nước sạch là yếu tố quan trọng với việc chế biến thực phẩm và để uống. Nếu không có nguồn nước sạch, bạn có thể đun sôi nước để làm nguồn nước cho việc chế biến thực phẩm hoặc làm nước đá cho các đồ uống. Cẩn thận với bất kỳ loại nguồn nước nào dùng để chế biến thức ăn cho trẻ em.

- Rửa rau quả tươi kỹ, rửa kỹ dưới vòi nước chảy. Không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy để rửa rau quả. Có thể dùng bàn chải nhỏ đề cọ rửa các chất bẩn trên bề mặt rau quả.

4. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp:

Giữ cho thực phẩm nóng được nóng và thực phẩm lạnh được lạnh.

- Sử dụng nhiệt kế dùng riêng cho thực phẩm để đánh giá xem thực phẩm được nấu chín kỹ hay không bằng cách đặt nhiệt kế vào phần giữa của thực phẩm và đợi ít nhất 30 giây mới đọc kết quả.

- Sau khi nấu xong thức ăn, cần ăn ngay, không để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau.

+ Không nên để các thực phẩm đã được nấu chín ở bên ngoài quá 2 giờ. Các vi khuẩn gây bệnh phát triển ở nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C. Nếu quá thời gian này không nên ăn thực phẩm đó vì các vi khuẩn có thể phát triển trên thực phẩm và gây bệnh.

+ Nếu các thực phẩm cần được ăn nóng thì ăn càng sớm càng tốt sau khi nấu, nếu phải nấu lại thì cần nấu kỹ. Các thực phẩm lạnh cần được bảo quản lạnh (trong tủ lạnh hoặc trong nước đá) cho tới khi ăn. Vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm khi thời tiết nóng.

+ Các thực phẩm còn thừa sau ăn cần được bảo quản ngay trong tủ lạnh. Các miếng thịt to cần được cắt thành các miếng mỏng và đựng trong các vật dụng chứa đựng nông. Các thực phẩm có kích cỡ lớn nếu có thể thì tách ra thành các phần nhỏ hơn và bảo quản riêng rẽ trong tủ lạnh. Các thức ăn thừa được bảo quản chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày./.

Phùng Mạnh Hùng – Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com