27/06/2024
Các biện pháp đảm bảo an toàn điện trong mùa nắng nóng 2024
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương năm 2024 sẽ là
năm nắng nóng kỷ lục. Từ đầu năm 2024 đến nay nhiều hiện tượng thời tiết bất
thường như: Mưa to kèm lốc xoáy, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Bắc vào
các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Hiện nay, trên
địa bàn tỉnh Nghệ An đang bước vào đợt cao điểm của nắng nóng, chỉ cần một sơ
suất nhỏ hoặc bất cẩn trong quá trình sử dụng điện, chất đốt vv… thì nguy cơ
xảy ra cháy nổ rất cao; Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ
(Công an tỉnh Nghệ An) thì các sự cố cháy nổ liên quan đến điện chủ yếu là do
người dân tự ý câu móc, đấu nối dây dẫn điện tuỳ tiện, không đảm bảo yêu cầu về
kỹ thuật, dẫn đến mất an toàn, quá tải, ngắn mạch; chủ quan trong việc sử dụng
điện như không ngắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà. Để chủ động phòng
chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho con người và tài sản. Ngăn ngừa sự cố lưới
điện và thiết bị điện, nhằm mục đích đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục.
Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Công Thương Thương Nghệ An khuyến cáo người
dân, hộ gia đình sử dụng điện, chủ động trong việc phòng cháy và chữa cháy cần
nắm rõ một số nội dung cơ bản, tuân thủ các quy định về an toàn PCCC:
1. Đối với các hoạt động vui chơi ngày hè:
Tuyệt đối không được thả diều, các thiết bị bay gần đường dây
cao thế. Nếu vi phạm để xảy ra việc diều quấn vào dây, trụ điện dẫn đến chạm
chập, cháy nổ, có nguy cơ gây mất điện cũng như gây thiệt hại về
người và tài sản thì căn cứ Nghị định 134/2013/NÐ-CP, hành vi thả diều hoặc bất
kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000
đồng. Ngoài ra theo Bộ luật Dân sự hiện hành, người vi phạm còn có trách nhiệm
bồi thường những hư hỏng, thiệt hại do hành vi của mình gây nên.
Diều vướng
vào đường dây điện - nguy cơ gây mất an toàn nghiêm trọng
2. Đối với khách hàng sử dụng điện:
- Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp
triển khai các hoạt động tuyên truyền và các giải pháp, nâng cao ý thức sử dụng
điện tiết kiệm và hiệu quả. Hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào
các giờ cao điểm đặc biệt từ 17h00 đến 20h00;
- Nên tính toán, lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với khả năng chịu
tải tiêu thụ điện, hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat)
tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, từng thiết bị điện;
- Không câu móc dây điện tùy tiện, các mối nối dây dẫn phải đảm
bảo đúng kỹ thuật “nối so le” và được quấn băng cách điện; nên đặt dây dẫn
trong ống, hộp bảo vệ, lựa chọn thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất
xứ rõ ràng;
- Sử dụng các thiết bị điện đúng yêu cầu kỹ thuật, không đặt các
thiết bị điện gần các đồ dùng dễ cháy, không sử dụng nhiều thiết bị điện có
công suất lớn trên cùng một ổ cắm và tắt thiết bị điện khi không sử dụng;
thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị
hư hỏng một cách kịp thời để ngăn ngừa cháy nổ./.
Phùng Mạnh Hùng – Phòng Hỗ trợ và Tư vấn