Làng nghề thể hiện sự đa dạng của văn hóa, thể hiện tính đặc
sắc của địa phương. Và trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển làng nghề hợp lý
là hướng đi đúng đắn để gắn bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế.
Hiện nay, Nghệ An có khoảng 200 làng nghề
truyền thống đang hoạt động. Quan điểm phát triển làng nghề của Nghệ An là phải
kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở
phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái; Phải
gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu
kinh tế nông thôn; phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao giá trị sản
phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch; Bảo tồn và phát triển làng nghề,
làng có nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán
của từng địa phương cùng cới sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; đa dạng hóa sản phẩm và ứng
dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền với công nghệ
tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống vừa phải tinh xảo mang tính
thương mại cao; Song song với việc bảo tồn cần tập trung khôi phục, phát triển
các nghề, làng có nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật
liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng canh tranh trên thị trường, thu hút
nhiều lao động…
Chị
Sầm Thị Tình (Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) giới thiệu sản phẩm
của làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến tại Hội thảo ngành dệt may thủ công tại nước bạn Lào
Làng nghề truyền thống ở Nghệ An đa dạng. Theo
khu vực thì có làng nghề truyền thống cư dân ven biển, làng nghề truyền thống
của cư dân đồng bằng, làng nghề truyền thống của cư dân vùng trung du, làng nghề
truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Theo
lĩnh vực thì có làng nghề thủ công nghiệp, làng nghề ngư nghiệp, làng nghề nông
nghiệp, làng nghề thương mại dịch vụ. Theo chủ thể thì có làng nghề của người
Kinh, làng nghề của người Thái, làng nghề của người Thổ, làng nghề của người
Mông, làng nghề của người Khơ Mú. Theo phân cấp quản lý còn có làng nghề truyền
thống đã được công nhận và làng nghề truyền thống đang xây dựng chờ công nhận.
Theo thực trạng thì có làng nghề truyền thống đang phát triển, làng nghề truyền
thống đã mai một, làng nghề truyền thống đang được khôi phục và phát triển. Và
càng đa dạng hơn nữa khi làng nghề truyền thống được gắn với tên gọi của sản
phẩm chính của nó: làng nghề sản xuất tương, làng nghề thổ cẩm, làng nghề đan
lát, làng nghề bánh đa, làng nghề sản xuất nước mắm, làng nghề mộc, làng nghề
rèn, làng nghề muối,…
Sự đa dạng về làng nghề cũng thể hiện sự đa
dạng của văn hóa Nghệ An. Và sự đa dạng đó, một mặt tạo ra một bức tranh làng
nghề tuyệt đẹp cho tỉnh, tạo sức hấp dẫn đối với du khách ở nhiều nơi muốn khám
phá vẻ đẹp của các làng nghề truyền thống, là một nguồn lực quan trọng để phát
triển du lịch. Mặt khác, nó cũng tạo ra sự phức tạp và cần phải nghiên cứu,
nhận thức rõ tính đa dạng lẫn tính đặc thù để xây dựng chính sách phát triển
cho hợp lý./.