Phát triển sản phẩm làng nghề còn nhiều khó khăn

Nhằm khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, tỉnh Nghệ An, chính quyền các địa phương và nhiều cá nhân tâm huyết với nghề cũng đã đầu tư nhiều công sức để khôi phục và phát triển nghề trong nhân dân. 

Sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những tấm vải đủ mầu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc. Các mẫu mã được lấy nguồn từ cuộc sống và cách điệu tạo nên những hoa văn sặc sỡ, công phu, giàu tính sáng tạo thông qua những đường nét trên các trang phục. Chất liệu của sản phẩm được làm ra cũng là từ những loại cây cỏ gần gũi với đời sống của bà con.

Ðến nay, Nghệ An đã có hàng nghìn lao động trên khắp các huyện miền núi làm nghề dệt và cắt may thổ cẩm. Ngoài các nguồn kinh phí khác, riêng kinh phí khuyến công tỉnh đã trích hỗ trợ cho các địa phương tổ chức đào tạo nghề dệt và cắt may thổ cẩm song song với việc hỗ trợ khung dệt thổ cẩm cho đồng bào miền núi tập trung chủ yếu ở các huyện Tương Dương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương.

Anh-tin-bai

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất thổ cẩm truyền thống trên địa bàn Nghệ An chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát và chưa có quy mô hướng tới sản xuất hàng hóa. Thị trường mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lắm, nghề dệt thổ cẩm bị chao đảo do chất lượng và mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may công nghiệp trên thị trường. Hơn nữa, một số công đoạn như xe sợi, nhuộm mầu... thủ công đã được thay thế bằng việc sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn, do đó nhiều sản phẩm chất lượng kém, chỉ dùng một đến hai lần đã có hiện tượng xù vải, bạc màu...

Hàng hóa làm ra không có thị trường tiêu thụ, việc làm không có, đời sống người lao động làm nghề gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm dệt thổ cẩm đang mất dần chỗ đứng ngay trên cả ở quê hương của các làng dệt, vì người dân tộc cũng đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm dệt may công nghiệp.

Ðể duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề, cần có nhiều giải pháp mang tính tổng thể thì mới có thể tạo tiền đề và định hướng cho nghề truyền thống này phát triển vững chắc.

Trước hết, đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm khi sản xuất theo hướng hàng hóa. Việc tìm đầu ra của sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố như: Hà Nội, Ðà Nẵng, Huế, Hội An, TP Hồ Chí Minh... hoặc tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh là việc làm cần thiết.

Hiện nay cách làm, công cụ sản xuất sản phẩm thủ công nên sản phẩm tạo ra không được nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã còn hạn chế, chủ yếu là khăn, mặt chăn, mặt gối, riềm chăn đệm... Do vậy cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để hộ gia đình ở các làng nghề mua sắm, cải tiến khung, thoi, lược, dệt... giúp cho người lao động tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ðồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối phát triển làm nòng cốt tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo đà cho các làng nghề phát triển ổn định và bền vững, duy trì và phát triển nguồn lao động làm nghề./.

Đậu Thị Nghệ - Phòng Hành chính Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com